Tàu cá miền Trung ở cảng cá Thọ Quang - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Dự kiến Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại Việt Nam vào 3-4 tháng tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh với thành phố Đà Nẵng, đây có thể là đợt kiểm tra "sinh tử" nhưng cũng là thời cơ vàng để gỡ thẻ vàng.

Đà Nẵng là địa phương có số lượng tàu cá không lớn nhưng lại là trung tâm ngư nghiệp khi cảng cá Thọ Quang là nơi cập bến của nhiều tàu thuyền miền Trung.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng có 579/591 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đối với 12 tàu chưa lắp đặt thiết bị thì có 9 tàu hiện tạm ngừng hoạt động do tàu không đảm bảo an toàn, tàu nhỏ, cũ, công suất thấp.

Ngành thủy sản Đà Nẵng đã hướng dẫn chủ tàu cải hoán. Có 1 tàu tạm ngừng hoạt động là tàu đóng mới theo nghị định số 67 bị cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản. Có 1 tàu đã bán nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên và 1 tàu mua từ ngoại tỉnh về đang làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Qua truy xuất dữ liệu từ hệ thống giám sát tàu cá thì thành phố Đà Nẵng có 24 tàu cá bị mất kết nối VMS (trên 6 tháng và trên 1 năm).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết qua kiểm tra, hiện tại các tàu đang tạm ngừng hoạt động và tắt thiết bị giám sát hành trình. Nguyên nhân là do khó khăn trong tìm kiếm lao động, thu nhập không đảm bảo nên không đi biển, lên đà sửa chữa, đang làm cải hoán…

Sau khi đi kiểm tra thực tế, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra rất nhiều hạn chế mà Đà Nẵng cần khắc phục.

Đặc biệt lưu ý Đà Nẵng phải xác minh, xử lý triệt để theo quy định của pháp luật các trường hợp tàu cá mất kết nối hệ thống VMS quá 6 giờ trên biển không báo vị trí theo quy định, tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Ông Phùng Đức Tiến lưu ý đặc biệt đến các tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) và yêu cầu các ngành chức năng phải nắm danh sách, vị trí cụ thể của từng tàu.

Do Đà Nẵng có lượng tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu rất lớn, ông Tiến cũng lưu ý đặc biệt đến việc phối hợp với các địa phương bạn nắm chắc số tàu này.

"Việc ghi nhật ký đi biển để phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng phải làm nghiêm. Tôi đi nhiều nơi thì có trường hợp không phải nhật ký mà là hồi ký. Có trường hợp nói ở nhà vợ con ghi cho.

Truy xuất nguồn gốc phải từ nhật ký. Từ đó xử lý cá nhân cố ý vi phạm quy định về IUU, hợp thức hóa hồ sơ", ông Tiến lưu ý.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Đà Nẵng chiều 19-6 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đà Nẵng thiếu lao động đi biển trầm trọng

Một trong những khó khăn được chỉ ra là tại Đà Nẵng lực lượng lao động đi biển ngày càng khan hiếm.

Đà Nẵng đánh giá đây là vấn đề rất khó khăn đối với việc phát triển khai thác thủy sản. Do không tìm ra bạn đi biển nên chủ tàu phải tạm dừng hoạt động dẫn đến chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, gia hạn đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về quản lý tàu cá, chống khai thác IUU…